1. Nguyên nhân và triệu chứng đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ là tình trạng viêm màng trong suốt trên bề mặt nhãn cầu (tròng trắng mắt) và kết mạc mi nên còn gọi là bệnh viêm kết mạc.
Bệnh có thể gặp ở tất cả mọi giới, mọi lứa tuổi và dễ lây. Các nguyên nhân và triệu chứng đau mắt đỏ thường gặp như:
- Do Virus: Đây là nguyên gây bệnh hay gặp nhất với các triệu chứng ra ghèn dây, ngứa, chảy nước mắt do cộm, sưng mi, thị lực giảm, chói sáng khi biến chứng khô mắt. Bệnh rất dễ lây khi tiếp xúc trực tiếp với nước mắt bệnh nhân; ho, hắt hơi khi viêm họng hay cảm cúm đi kèm. .
- Do Vi khuẩn: Thường là do vi khuẩn Staphylococcus, Haemophilus Influenzae …, có thể gây ra những tổn thương nặng nếu không được điều trị kịp thời. Các triệu chứng thường gặp như ghèn vàng hay màu vàng xanh nhạt gây dính 2 mi mắt khi thức dậy vào buổi sáng, ngứa và chảy nước mắt, nếu bệnh nặng có thể gây viêm loét giác mạc, giảm thị lực không phục hồi. Bệnh lây qua dịch tiết nước mắt hoặc vật dụng dính dịch tiết mắt.
- Do Dị ứng: Như bụi, lông vật nuôi, phấn hoa, thuốc, … thường rất khó xác định chính xác tác nhân gây dị ứng, xảy ra theo mùa, kéo dài hay tái phát. Bệnh có các triệu chứng như chảy nước mắt, ngứamắt nhiều, viêm mũi dị ứng, bệnh xảy ra cả hai mắt và không lây.
2. Bị đau mắt đỏ bao lâu sẽ khỏi hẳn?
Bệnh đau mắt đỏ chữa được nếu như phát hiện sớm và có phương án điều trị hợp lý. Bệnh thường khỏi trong khoảng 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, nếu phát hiện chậm hoặc đưa ra phương án chữa trị không hợp lý có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm như loét giác mạc, viêm giác mạc thậm chí là mù lòa.
3. Chữa đau mắt đỏ như thế nào?
- Đau mắt đỏ do virus: Bệnh tự khỏi sau vài ngày. Người bệnh có thể tự chườm lạnh để giảm triệu chứng phù nề; rửa mặt bằng nước lạnh và sạch và nhỏ nước mắt nhân tạo.
- Đau mắt đỏ do vi khuẩn: bác sĩ sẽ kê toa bao gồm thuốc kháng sinh, kháng viêm hoặc mỡ tra mắt để điều trị.
- Đau mắt đỏ do dị ứng: Bệnh nhân cần tránh tiếp xúc với tác nhân gây bệnh nếu biết; bác sĩ sẽ kê toa thuốc nhỏ hoặc thuốc uống giảm tình trạng dị ứng; Nhỏ nước mắt nhân tạo để giảm cảm giác ngứa.
4. Chế độ ăn uống khi đau mắt đỏ
Những người bị đau mắt đỏ có cảm giác nóng ở mắt, cộm xốn rất khó chịu. Đây là một bệnh lành tính có thể tự hết trong 7-10 ngày, tuy nhiên muốn khỏi nhanh người bệnh cần kết hợp thuốc và chế độ ăn uống đúng cách.
- Thực phẩm kiêng:
Những thực phẩm có mùi tanh như tôm, cá, ốc; Rau muống (vì sẽ sinh ra nhiều ghèn); Chất kích thích, đồ uống có ga; Mỡ động vật và không được tùy ý sử dụng kháng sinh.
- Thực phẩm nên ăn:
Các thực phẩm như Cà rốt, Rau xanh (trừ rau muống), ớt chuông cam, lòng đỏ trứng, Dầu cá, Chất chống oxy hóa astaxanthin, Quả việt quất.
5. Với trường hợp có người thân bị đau mắt đỏ, bạn nên:
- Rửa tay bằng xà phòng và nước ấm ít nhất 20 giây, trước và sau khi bôi thuốc mỡ hoặc thuốc nhỏ mắt. Có thể rửa tay bằng dung dịch chứa 60% cồn thay thế cho nước sạch và xà phòng.
- Sau khi tiếp xúc với người bệnh, cần rửa tay và các vật dụng mà người đó chạm vào.
- Không chạm vào mắt khi chưa rửa sạch tay.
- Không sử dụng chung các vật dụng với người đau mắt đỏ.
Khi đau mắt đỏ, bạn không nên tự điều trị, cần đến khám ngay với bác sĩ chuyên khoa mắt để được khám và đưa ra hướng điều trị thích hợp.
BỆNH VIỆN MẮT SÀI GÒN ĐÀ LẠT
Địa chỉ: 64 Bùi Thị Xuân, Phường 2, Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
Hotline: 0856.149.149 Điện thoại: 02633.676.686
Website: matsaigondalat.com | Facebook: | Youtube: Bệnh viện Mắt Sài Gòn Đà Lạt