Glôcôm (Cườm nước)

Bệnh glôcôm (hay còn gọi là cườm nước, thiên đầu thống, glocom, glaucoma) là nguyên nhân hàng đầu gây mù không hồi phục ở Việt Nam và trên thế giới. Glôcôm đặc trưng bởi tổn thương dây thần kinh thị giác có thể gây tổn thương thị lực không thể phục hồi. Khoảng 64 triệu người trên toàn thế giới bị glôcôm, nhưng chỉ có một nửa được phát hiện. Glôcôm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng tỉ lệ cao gấp 6 lần ở những người > 60 tuổi.

Cần phân biệt giữa glôcôm (cườm nước) và đục thuỷ tinh thể (cườm khô).

Cườm nước và cườm khô khác biệt như thế nào?

Phân biệt giữa cườm khô và cườm nước. Nguồn: https://www.allaboutvision.com/conditions/glaucoma-vs-cataracts/. Việt hóa bởi: Bệnh viện Mắt Sài Gòn Đà Lạt.

Nguyên nhân dẫn đến glôcôm

Nguyên nhân dẫn đến glôcôm là do tăng áp lực trong mắt (nhãn áp), các chất lỏng trong mắt bị tích tụ không thoát ra bên ngoài sẽ dẫn đến tình trạng làm tăng nhãn áp.

Ở mắt của người bình thường, mắt được nuôi dưỡng nhờ vào thủy dịch được cơ thể mi ở hậu phòng sẽ sản xuất, thủy dịch này sau đó di chuyển ra phía trước tiền phòng và thoát ra khỏi nhãn cầu bằng các cấu trúc đặc biệt.

Ở mắt của người bị cườm nước, các kênh thoát nước này bị tắc nghẽn hoặc bít tắc làm mất cân bằng giữa việc sản xuất và thoát thuỷ dịch, gây tăng nhãn áp. Nhãn áp này vượt quá mức chịu đựng của dây thần kinh thị giác sẽ khiến nó bị tổn thương. Tổn thương này được gọi là bệnh glôcôm.

Thủy dịch tích lũy trong mắt

Thủy dịch tích tụ trong mắt.

Các yếu tố nguy cơ tăng tỷ lệ mắc bệnh glôcôm

  • Những người trên 40 tuổi.
  • Bệnh có yếu tố di truyền nên gia đình có người mắc bệnh glôcôm cũng cần phải tầm soát.
  • Một số bệnh lý gây tăng nguy cơ mắc glôcôm như đục thủy tinh thể, tăng huyết áp, đái tháo đường…
  • Người thường xuyên sử dụng thuốc corticoid (điều trị các bệnh tự miễn, xương khớp)

Dấu hiệu, triệu chứng của glôcôm

Bệnh glôcôm được chia làm 2 loại chính: glôcôm góc mở và góc đóng

  1. Glôcôm góc mở: Glôcôm góc mở không đau nhức và tiến triển chậm qua nhiều năm. Các triệu chứng chính bao gồm:
    • Gia tăng các điểm mù trong thời gian nhiều tháng đến nhiều năm.
    • Tiến triển dẫn đến tình trạng thị trường “hình ống”.
  2. Glôcôm góc đóng:  Glôcôm góc đóng đặc trưng bởi tình trạng nhãn áp tăng đột ngột, nhanh và người bệnh thường gặp các triệu chứng chính:
    • Đau mắt và nhức đầu dữ dội.
    • Nhìn mờ.
    • Quầng sáng bảy sắc cầu vồng xung quanh đèn
    • Giảm thị lực đột ngột.
    • Buồn nôn và nôn do tăng nhãn áp.

    Glôcôm góc đóng là tình trạng cấp cứu và cần được xử trí càng càng sớm càng tốt.

    Glôcôm góc đóng và glôcôm góc mở

    Khác biệt giữa glaucoma góc đóng và góc mở. Nguồn: Closed Angle Glaucoma Explanation – Melbourne Eye Centre. Việt hóa bởi: Bệnh viện Mắt Sài Gòn Đà Lạt

Bệnh glôcôm có nguy hiểm không?

Glôcôm thường không có những triệu chứng rầm rộ mà tiến triển âm thầm qua nhiều năm và chỉ được phát hiện khi bệnh đã ảnh hưởng dần đến thị lực của người bệnh, vì vậy, chúng ta nên khám mắt định kì để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời glôcôm, tránh tình trạng ảnh hưởng đến thị lực.

Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh tăng nhãn áp góc đóng cấp tính cần được cấp cứu và xử trí kịp thời vì nó có thể làm tổn thương thần kinh thị nghiêm trọng nếu tình trạng này không được điều trị. Các triệu chứng này thường xảy ra đột ngột, bao gồm đau mắt và đâu đầu dữ đội.

Thị trường hình ống ở bệnh nhân glôcôm

Tình trạng thị trường “hình ống”. Nguồn: https://visionscienceacademy.org/can-you-drive-with-one-eye/

Chẩn đoán glôcôm

  • Đo nhãn áp (Tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn Đà Lạt sử dụng hệ thống đo nhãn áp không tiếp xúc Crystalvue hiện đại)
  • Soi đáy mắt đánh giá đầu thần kinh thị giác.
  • Soi góc tiền phòng.
  • Chụp OCT đánh giá lớp sợi thần kinh (hệ thống Revo FC cực kì hiện đại, cho kết quả cực kì chính xác với khả năng thực hiện 80.000 phép đo trong 1 giây)
  • Test thị trường.
  • Đo độ dày giác mạc.

Đo nhãn áp không tiếp xúc tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn Đà Lạt

Bệnh nhân đang được đo nhãn áp bằng máy đo nhãn áp không tiếp xúc hiện đại Crystalvue. Nguồn: Bệnh viện Mắt Sài Gòn Đà Lạt

Điều trị glôcôm

Các tổn thương về thị lực do glôcôm gây ra không thể phục hồi được, tuy nhiên nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể làm ngừng tiến triển của bệnh và tránh các biến chứng nghiêm trọng.

Glôcôm có thể được điều trị bằng các phương pháp phù hợp với tình trạng bệnh.

  • Sử dụng thuốc: các thuốc giúp hạ nhãn áp, bảo vệ dây thần kinh thị giác.
  • Sử dụng Laser: giúp cải thiện lưu thông thủy dịch trong mắt và có ưu điểm nhanh chóng, hiệu quả.
  • Phẫu thuật – Mổ cườm nước: chỉ áp dụng khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.

Phẫu thuật điều trị cườm nước bằng laser

Điều trị cườm nước bằng Laser. Nguồn: Học viện Nhãn khoa Hoa Kỳ – American Academy of Ophthalmology (AAO)

Chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật glôcôm

Sau khi phẫu thuật glôcôm, bệnh nhân cần kiêng khuân vác nặng hay hoạt động mạnh, tập thể dục thể thao ở mức độ nhẹ nhàng như đi bộ cho đến khi nhãn áp của bệnh nhân trở về mức bình thường.

Bên cạnh đó, để hạn chế nhiễm trùng sau mổ, bệnh nhân cần phải kiêng đi bơi, đeo kính áp tròng và trang điểm.

Tuỳ vào tình trạng mắt của mỗi người bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra các lời khuyên và các mốc thời gian khác nhau.

Cách phòng ngừa glôcôm

  • Khám mắt định kỳ 2 năm một lần, đặc biệt là những người có nguy cơ cao như người trên 40 tuổi, có tiền sử gia đình mắc bệnh cườm nước, hoặc mắc các bệnh lý khác như tăng huyết áp, đái tháo đường.
  • Giữ cho mắt luôn thư giãn, tránh làm việc quá sức.
  • Ăn uống đầy đủ dưỡng chất, bổ sung vitamin tốt cho mắt.
  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.

Khám mắt tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn Đà Lạt

Khám mắt định kỳ là cách hữu hiệu để phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh cườm nước. Ảnh: Bệnh viện Mắt Sài Gòn Đà Lạt

Cườm nước là một bệnh lý nguy hiểm, vì vậy việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng.

Hãy đi khám mắt định kỳ để có thể phát hiện và điều trị bệnh cườm nước hiệu quả.

Tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn Đà Lạt, bệnh nhân sẽ được cung cấp đầy đủ và toàn diện tất cả các phương pháp điều trị glôcôm. Ngoài ra nếu gặp bất kỳ các vấn đề về mắt, bạn hãy đừng ngần ngại đến ngay các cơ sở y tế chuyên về nhãn khoa uy tín để được tư vấn, hỗ trợ và điều trị kịp thời.

Bệnh viện Mắt Sài Gòn Đà Lạt tự hào là Bệnh viện chuyên khoa Mắt đầu tiên tại khu vực Lâm Đồng, được xây dựng và chú trong phát triển theo tiêu chuẩn và trên con đường khẳng định chất lượng Nhãn khoa hàng đầu Tây Nguyên.

Kiểm duyệt: Bác sĩ Nội trú Nhãn khoa Trần Thị Khánh Linh – Phó Giám đốc Chuyên môn Bệnh viện Mắt Sài Gòn Đà Lạt.

https://www.nhs.uk/conditions/glaucoma/#:~:text=Glaucoma is a common eye,not diagnosed and treated early.

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/glaucoma/symptoms-causes/syc-20372839

https://www.nei.nih.gov/learn-about-eye-health/eye-conditions-and-diseases/glaucoma/treatment

https://www.hopkinsmedicine.org/health/wellness-and-prevention/glaucoma-surgery-recovery-what-you-need-to-know

Q