HIV/AIDS và những ảnh hưởng đến mắt

Người mắc HIV có thể gặp vấn đề về nhiều bộ phận trên cơ thể, trong đó có mắt. Các vấn đề về thị lực này có thể gây ra những tình trạng bệnh lý đặc thù mà những người khỏe mạnh không bao giờ gặp phải. Khoảng 70% người mắc HIV sẽ gặp các vấn đề này, tuy nhiên có thể giảm bằng cách kiểm soát tình trạng HIV của người bệnh.

1. HIV là gì?

HIV (Human immunodeficiency virus – Virus suy giảm miễn dịch ở người) là một loại virus có thể dẫn đến AIDS (Acquired immunodeficiency syndrome – Hội chứng Suy giảm Miễn dịch) nếu như không kiểm soát tình trạng nhiễm HIV. HIV tấn công vào hệ miễn dịch của cơ thể và dần dần làm giảm khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng của hệ miễn dịch, gây ra nhiễm trùng cơ hội và thậm chí là các bệnh ung thư.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, có khoảng 37,7 triệu người trên thế giới đang phải sống chung với HIV.

HIV hiện chưa có thuộc đặc trị, tuy nhiên bệnh có thể được kiểm soát bằng thuốc.

Cấu trúc virus HIV

Ảnh: Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương

2. HIV ảnh hưởng đến mắt như thế nào?

Khoảng 70% người mắc HIV sẽ gặp các vấn đề về mắt! Tình trạng suy giảm miễn dịch có thể dẫn đến các bệnh lý về mắt nghiêm trọng và có thể dẫn đến mù lòa nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

Ảnh: Báo Sức khỏe Đời sống

3. Một số tình trạng mắt thường gặp ở người nhiễm HIV

a. Bệnh võng mạc HIV:

  • Thường gặp nhất. Tình trạng này xảy ra khi HIV làm tổn thương võng mạc (vùng đón nhận ánh sáng đến mắt). Các mạch máu tại võng mạc bị tổn thương hoặc bị tắc nghẽn thường đến từ nhiễm trùng, viêm nhiễm.
  • Bệnh đặc trưng bởi các đốm xuất tiết bông, xuất huyết võng mạc, có thể gây hẹp tầm nhìn và những thay đổi về mức độ nhìn thấy màu sắc và độ tương phản.

Ảnh: Báo Sức khỏe Đời sống

b. Viêm võng mạc do CMV:

  • Tình trạng này xảy ra khi cytomegalovirus (CMV) gây viêm làm tổn thương võng mạc. Cytomegalovirus (CMV) là loại virus thuộc nhóm Herpes, thường ảnh hưởng đến những người có HIV tiến triển. Nhớ có các loại thuốc điều trị HIV hiện đại, hiện tình trạng này ít phổ biến hơn, tuy nhiên, nếu không điều trị đúng cách có thể phá hủy võng mạc, thần kinh thị giác và gây bong giác mạc dẫn tới mù lòa.
  • Người bệnh đi khám mắt ngay lập tức nếu nhận thấy các dấu hiệu – đốm nổi, nhấp nháy, mờ mắt hoặc điểm mù..

c. Herpes zoster mắt (HZO): 

  • Bất cứ ai đã từng nhiễm virus thủy đậu đều có thể bị nhiễm bệnh này. Nó ảnh hưởng đến từ 5% đến 15% số người trẻ nhiễm HIV và ở người lớn tuổi (trên 60 tuổi), gây ra các mụn nước đau đớn đóng vảy toàn thân, thường ở mắt và mặt.
  • Tình trạng này có thể dẫn gây tổn thương mắt, gây đâu đớn và mất thị lực đến viêm ở một hoặc nhiều bộ phận của mắt.

d. Khô mắt:

  • Khoảng 20% người nhiễm HIV bị khô mắt do virus có thể gây hại cho các tuyến tạo ra nước mắt. Viêm bờ mi, một tình trạng viêm mí mắt‏ ‏cũng thường gặp ở người nhiễm HIV, có thể làm cho tình trạng khô mắt trở nên trầm trọng hơn. Có thể dùng nước mắt nhân tạo và chất bôi trơn mắt để khắc phục tình trạng này.

Ảnh: https://www.allaboutvision.com/vi-vn/eye-conditions/dry-eye-syndrome/

4. Bảo vệ sức khỏe mắt ở người nhiễm HIV như thế nào?

Người mắc HIV cần phải kiểm tra mắt thường xuyên, đừng chờ đợi các triệu chứng xuất hiện mới đi khám.

Một số bệnh nhiễm trùng mắt liên quan đến HIV không phải lúc nào cũng có dấu hiệu sớm nhưng vẫn có thể gây mất thị lực. HIV cũng có thể làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể ở độ tuổi sớm hơn bình thường. Khám mắt thường xuyên có thể phát hiện sớm điều này.

Tần suất gặp bác sĩ nhãn khoa tùy thuộc vào sức khỏe của bạn. Ví dụ, mỗi năm một lần có thể là đủ nếu HIV của bạn được kiểm soát, nhưng bạn có thể cần phải đi khám 3 tháng một lần nếu số lượng tế bào CD4 của bạn thấp.

a. Đi khám ngay nếu có các tình trạng:

  • Mờ mắt, suy giảm thị lực
  • Nhìn đôi
  • Nhìn thấy vật bay lơ lửng, điểm mù hoặc tia sáng
  • Đau mắt
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Chảy nước mắt
  • Thay đổi màu sắc…

b. Các kiểm tra toàn diện về sức khỏe mắt

  • Đo thị lực: kiểm tra xem bạn có thể nhìn rõ không.
  • Khám mắt sau khi giãn đồng tử: Bác sĩ sẽ nhỏ thuốc giãn đồng tử để có thể nhìn rõ hơn ở phía sau mắt của bạn (bao gồm võng mạc và hoàng điểm)

c. Điều trị các bệnh lý về mắt liên quan đến HIV

Các bệnh lý được điều trị dựa trên các tình trạng cụ thể:

  • Thuốc điều trị các tình trạng nhiễm trùng
  • Phẫu thuật hoặc chiếu xạ có thể sử dụng điều trị khối u
  • Phẫu thuật, tiêm vào mắt hay sử dụng laser có thể điều trị các tổn thương về võng mạc do viêm, chảy máu.

Không chỉ thường xuyên thăm khám và trao đổi để có một lối sống và phương pháp điều trị phù hợp, người nhiễm HIV cũng cần phải giữ gìn một hệ miễn dịch thật khỏe mạnh bằng cách thường xuyên tập luyện, dinh dưỡng đầy đủ và tuân thủ thuốc đúng với chỉ định để có thể giảm thiểu tối đa các bệnh về mắt liên quan đến HIV-AIDS.

Tài liệu tham khảo:

Nguyễn Thị Bích Ngọc. HIV ảnh hưởng đến mắt như thế nào? Sức khỏe và đời sống. Xuất bản 19 tháng 11, 2023. https://suckhoedoisong.vn/hiv-anh-huong-den-mat-nhu-the-nao-169231119132915273.html

Prevent Blindness. HIV and the Eye. Prevent Blindness. Cập nhật 18 tháng 10, 2022. https://preventblindness.org/hiv-aids-and-the-eye/.

Janet L. Davis. Ocular Involvement in HIV/AIDS. American Academy of Ophthalmology. Xuất bản 22 tháng 12, 2022. https://eyewiki.aao.org/Ocular_Involvement_in_HIV/AIDS

Kiểm duyệt: Giám đốc Chuyên môn Bệnh viện Mắt Sài Gòn Đà Lạt – Bác sĩ Chuyên khoa II. Nguyễn Vũ Long

Q