Ortho-K (viết tắt của Orthokeratology) là một phương pháp điều trị tật khúc xạ bằng cơ chế “chỉnh hình” giác mạc.
1. Phương pháp Ortho K là gì?
Ortho-K là lựa chọn điều trị và kiểm soát tật khúc xạ (cận thị, viễn thị và loạn thị) có ưu điểm rất lớn chính là không cần can thiệp phẫu thuật. Bệnh nhân chỉ cần đeo kính áp tròng (len Ortho-K) khi ngủ hay đeo kính áp tròng ban đêm, sau khi ngủ dậy và tháo kính Ortho-K ra, người mắc tật khúc xạ sẽ đạt được thị lực tối đa tương đương với đã chỉnh kính (mắt đạt 10/10) mà không cần đeo kính gọng vào ngày hôm sau.
Số người mắc cận thị vào năm 2020 đã lên đến 2,6 tỷ người theo Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nguồn: https://iris.who.int/bitstream/handle/10665/328721/WHO-NMH-NVI-19.12-eng.pdf
2. Ưu điểm của phương pháp Ortho-K?
Phương pháp Ortho-K có ưu điểm cực lớn chính là không cần can thiệp phẫu thuật, giúp bảo tồn cấu trúc của mắt.
Đặc biệt hơn, phương pháp Ortho-K đem lại lợi ích đáng kể trong việc kiểm soát tốc độ tiến triển độ cận (giảm tăng độ) ở trẻ em, giúp nó được áp dụng rộng rãi để điều trị tật cận thị và loạn thị ở trẻ em và người trưởng thành.
Các nghiên cứu về kiểm soát tiến triển cận thị bằng phương pháp Ortho-K cho thấy kết quả rất tốt so với các phương pháp khác như nhỏ thuốc Atropine nồng độ thấp hay đeo kính gọng có vùng điều chỉnh viễn thị chu biên để kiểm soát cận thị. [1], [2]
3. Kính áp tròng Ortho-K có thể giảm tăng độ cận không?
Phương pháp OrthoK sử dụng các kính áp tròng có cấu trúc đặc biệt, khi đeo vào mắt, kính tiếp xúc này sẽ nằm giữa mi mắt và bề mặt giác mạc của nhãn cầu. Trong suốt quá trình ngủ, kính áp tròng sẽ điều chỉnh tạm thời hình dạng của giác mạc phẳng hơn, từ đó thay đổi công suất của giác mạc để mắt người bệnh trở thành chính thị (không còn độ cận) trong một khoảng thời gian. Tùy vào độ cận và thời gian đeo kính mà bệnh nhân cần đeo lại kính vào tối ngày hôm sau hoặc có thể đeo kính cách ngày. [3]
Hình dạng cấu trúc giác mạc trước và sau khi đeo kính Ortho-K. Nguồn: iSee.
4. Phương pháp Ortho-K gồm các bước nào?
Trước khi bắt đầu điều trị, người bệnh sẽ được đo khúc xạ chuyên sâu, thăm khám kĩ càng để loại trừ các bệnh lý bất thường có trong chống chỉ định của phương pháp Ortho K. Đặc biệt với cơ sở vật chất hiện đại tại Bệnh Viện Mắt Sài Gòn Đà Lạt, người bệnh sẽ được chụp bản đồ giác mạc, là một kỹ thuật cao đòi hỏi trang thiết bị tân tiến và nhân viên y tế được đào tạo bài bản, giúp đánh giá và khảo sát cấu trúc giác mạc một cách chính xác và toàn diện nhất, để loại trừ hoàn toàn các bất thường có thể bị bỏ sót nếu chỉ khám bằng kính hiển vi thông thường. Sau đó, các bác sĩ sẽ dựa vào kết quả đo để chọn một bộ kính áp tròng phù hợp với mắt của người bệnh. Cuối cùng, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn cách sử dụng, vệ sinh và bảo quản kính sao cho tối ưu và hiệu quả nhất.
Trẻ đang được chụp bản đồ giác mạc tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn Đà Lạt. Ảnh: Bệnh viện Mắt Sài Gòn Đà Lạt.
5. Ưu điểm của phương pháp Ortho-K?
- Ưu điểm lớn nhất của phương pháp Ortho-K nằm chính là sự thuận tiện khi người mắc tật khúc xạ không còn cần phải phụ thuộc vào kính gọng nữa, giúp người bệnh có thể nhìn rõ khi chơi thể thao hoặc các công việc yêu cầu không đeo kính. Những khó chịu khi đeo kính như hấp hơi khi trời lạnh hoặc giảm tầm nhìn khi trời mưa do nước đọng trên bề mặt kính gọng sẽ không còn là nỗi băn khoăn khi sử dụng phương pháp Ortho-K.
- Ưu điểm thứ hai là kiểm soát tốc độ tiến triển cận thị, tác dụng này đã được rất nhiều nghiên cứu thực nghiệm lâm sàng ở trên thế giới cũng như ở Châu Á chứng thực. Với khả năng làm giảm tăng độ cận, cải thiện độ cận ở trẻ em, phương pháp này được xem là “vị cứu tinh” dành cho trẻ bị cận trong những năm đầu khi mắt của trẻ còn trong giai đoạn phát triển.
6. Hạn chế của phương pháp Ortho-K?
Bất kì phương pháp nào cũng sẽ có có những hạn chế nhất định để có thể đem lại hiệu quả cao nhất khi sử dụng.
- Phương pháp Ortho-K đòi hỏi sự tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ về thời gian đeo kính và giữ vệ sinh.
- Kính áp tròng Ortho-K chỉ điều chỉnh giác mạc tạm thời trong một khoảng thời gian nhất định. Chính vì vậy, tùy thuộc vào độ cận và thời gian đeo khi ngủ thì bệnh nhân phải đeo lại kính khi đi ngủ vào tối hôm sau đối với trường hợp cận nặng hoặc đeo cách ngày đối với độ cận thấp.
- Khi đeo kính Ortho-K thì bệnh nhân phải tuân thủ quy trình vệ sinh tay cẩn thận khi đeo kính vì có thể vô tình trực tiếp đưa vi khuẩn hoặc các tác nhân gây bệnh khác lên mắt.
Sử dụng kính Ortho-K cần tuân thủ đúng các chỉ dẫn của bác sĩ về thời gian đeo kính và đặc biệt là vệ sinh mắt. Nguồn: https://www.wehelpchicagosee.com/orthokeratology
2. Do có tính chất đặc biệt có thể điều chỉnh được giác mạc, kính Ortho-K có chi phí sử dụng cao hơn so với kính gọng truyền thống và cần thêm một khoản chi phí nhỏ hàng tháng cho dung dịch vệ sinh kính và nước mắt nhân tạo.
Tài liệu tham khảo
- Zhu MJ, Feng HY, He XG, Zou HD, Zhu JF. The control effect of orthokeratology on axial length elongation in Chinese children with myopia. BMC Ophthalmol. 2014 Nov 24;14:141
- Santodomingo-Rubido J, Villa-Collar C, Gilmartin B, Gutiérrez-Ortega R, Sugimoto K. Long-term Efficacy of Orthokeratology Contact Lens Wear in Controlling the Progression of Childhood Myopia. Curr Eye Res. 2017 May;42(5):713-720.
- Swarbrick, H. A. (2004). Orthokeratology (corneal refractive therapy): what is it and how does it work?. Eye & contact lens, 30(4), 181-185.
Biên soạn: Bác sĩ Nhãn khoa Tạ Quốc Việt